Nghệ thuật Đờn ca tài tử không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ, mà còn góp phần quan trọng làm phong phú thêm các giá trị văn hóa truyền thống của cả dân tộc Việt Nam, là cầu nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian.
Dù đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử nhưng đờn ca tài tử loại hình âm nhạc mang đậm dấu ấn dân gian vẫn luôn được gìn giữ và phát huy, nó không hề mất đi những nét độc đáo riêng, vẫn đủ sức lan tỏa và hấp dẫn nhiều thế hệ người dân Nam bộ, kể cả người chơi đàn, người hát và người thưởng thức, bởi trong từng tiếng đờn, lời ca đã chuyên chở, đã chất chứa được những tâm tư tình cảm, là hình ảnh cuộc sống của vùng sông nước Nam bộ.
Trong dòng chảy văn hóa dân gian và nhịp thở của cuộc sống đương đại, Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc, tính nghệ thuật độc đáo, phản ánh rõ nét tâm hồn, cốt cách của con người Nam bộ. Trong thời gian qua, tại An Giang công tác bảo tồn nghệ thuật đờn ca tài tử, đã và đang tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức như: tổ chức Liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh, đến cấp huyện và cấp xã; mở nhiều lớp truyền dạy đờn ca tài tử; lập hồ sơ công nhận nghệ nhân đờn ca tài tử; tăng cường công tác quản lý; xây dựng các câu lạc bộ ở cơ sở; tham gia nhiều cuộc liên hoan, hội thi do tỉnh bạn và cấp trên tổ chức…từ đó phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh cũng như trong huyện Thoại Sơn có nhiều bước phát triển, gắn kết sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa của mỗi địa phương, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm truyền thống và bản sắc văn hóa của Việt Nam.
Phát biểu: ông Trương Bá Trạng – PGD. Sở VH&TT DL tỉnh An Giang khẳng định: Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật có giá trị nhân văn sâu sắc, tính nghệ thuật độc đáo, phản ánh rõ nét tâm hồn, cốt cách của con người Nam bộ. Năm 2013 nghệ thuật “Đờn ca tài tử” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đây là mốc son đánh dấu sức lan tỏa, sự ghi nhận của thế giới, để đờn ca tài tử trở thành niềm tự hào của Quốc gia, của con người nam bộ nói chung, của nhân dân An Giang nói riêng.
Vào tối ngày 27/04/2018 vừa qua. Tại sân Đình thần Thoại Ngọc Hầu huyện Thoại Sơn, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang phối hợp cùng Đài phát thanh truyền hình An Giang tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử và Trích đoạn cải lương trên sóng Phát thanh – Truyền hình An Giang lần I/2018 với chủ đề “Thất sơn hòa điệu”, tham gia đêm liên hoan nghệ nhân Trần Văn Trắng – ngụ xã Bình Thành huyện Thoại Sơn chia sẻ: Được tham gia Hội thi đờn ca tài tử - trích đoạn cải lương trên sóng phát Thanh truyền hình An Giang tôi thấy đây là mô hình mới được Đài truyền hình cũng như ở tỉnh An Giang đã quan tâm để anh em tụi tôi có sân chơi bổ ích, nhằm trao dồi kiến thức bộ môn đờn ca tài tử nói chung và sân khấu cải lương. Nói về tâm nguyện của anh em tham gia thì chúng tôi mong muốn sân chơi này sẽ được tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm, để chúng tôi có dịp tham gia, trao đổi kinh nghiệm nhằm bảo tồn bộ môn đờn ca tài tử của Việt Nam mình. Riêng tôi đem lại lời ca tiếng hát của mình phục vụ cho bà con địa phương, truyền đạt kinh nghiệm cho đàn em, con cháu bảo tồn đến mai sau.
Nhằm tiếp tục khẳng định giá trị của ĐCTT, loại hình nghệ thuật đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đồng thời, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
Trong những năm gần đây, nghệ thuật đờn ca tài tử có điều kiện phát triển mạnh và rộng khắp, đặc biệt năm 2013 được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Góp phần bổ sung, làm giàu đẹp thêm truyền thống và bản sắc văn hóa của Việt Nam. Đây là cơ hội rất lớn để quảng bá loại hình nghệ thuật ĐCTT rộng rãi ra thế giới, góp phần phát triển văn hóa, du lịch của từng địa phương.
Ngô Quyền