Khu di tích Óc Eo được nhà khảo cổ người Pháp Lonis Malaret (trường Viễn Đông bác cổ) phát hiện năm 1942 và được khai quật lần đầu tiên vào 2-1944 tại nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có Gò Cây Thị.
Di tích Gò Cây Thị nằm trên cánh đồng Óc Eo, cách Giồng Cát về phía Đông khoảng 500m và cách di tích Nam Linh Sơn Tự trên triền núi Ba Thê khoảng 1.600m về phía Tây.
Di tích Gò Cây Thị quay mặt về hướng Đông, kiến trúc có dạng gần vuông được chia thành 2 phần hình chữ nhật. Phần chính diện ở phía Tây và phần tiền diện ở phía Đông, kiến trúc này có diện tích 488,88m được cấu tạo như sau: Toàn bộ kiến trúc được xây dựng trên 1 nền đá khối rất lớn (đường kính 40 - 50cm) đặt trên lớp đất sét nền, bên trên là những tảng đá nhỏ trộn lẫn với gạch vỡ tạo thành nền tảng của nền bên dưới. Cấu trúc Gò Cây Thị gồm: 36 đường tường móng gạch tạo thành nhiều cấu trúc bên trong gồm: Tiền diện, chính diện, các ô ngăn lớn và nhỏ...
- Tiền diện: Nằm ở phía Đông dài 16,8m rộng 7,4m, mặt tiền của tiền diện mang biểu tượng của bánh xe hay tia nắng mặt trời.
- Chính diện: Nằm ở phía Tây dài 22m rộng 16,4m, ở phần giữa chính diện có 4 ngăn hình chữ nhật, mỗi ô có cạnh dài khoảng 4m rộng 2,3m được lấp từ nền đá bên dưới cho đến mặt bằng bên trên có nhiều lớp xà bần và gạch xây liên tiếp. Dưới lớp xà bần trong mỗi ô đều có 2 vỉa gạch xây theo hình chữ L. Dưới những lớp vỉa xây là lớp đá nền.
Bốn ô ngăn trên được ngăn cách bằng 2 vỉa gạch xây hình chữ thập dài khoảng 0,75m rộng khoảng 0.85m. Những vỉa ngăn này đều được xây kiên cố và thẳng cạnh.
Những di chỉ này được xác định niên đại vào thế kỷ II sau công nguyên.
Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình di tích và di vật gồm: di tích kiến trúc, di chỉ cư trú và hàng trăm loại hiện vật đồ gốm Óc Eo.
Di tích Gò Cây Thị thuộc loại kiến trúc cung đình mang tính tôn giáo. Trước đây, một số tượng Phật bằng đồng được tìm thấy quanh gò này, cách khoảng 20m về phía Đông (di tích Gò Cây Thị B) là kiến trúc mộ hỏa táng được xây bằng gạch và đá. Cả 2 di tích đều được xây dựng trên 1 tầng văn hóa cư trú chứa nhiều gốm mịn Óc Eo và cọc nhà sàn.
Ngày 13 tháng 2 năm 2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa ký Quyết định số" 39/2002/QĐ-BVHTT công nhận di tích Gò Cây Thị là Di tích quốc gia.