Tọa lạc ấp Trung Phú 2, xã Vĩnh Phú. Diện tích đình 400 m2, diện tích khuôn viên 10.000 m2. Đình được xây dựng bằng gỗ quý từ thời khai hoang, lập làng theo nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Kiến trúc theo kiểu chữ Tam gồm 1 quần thể 3 nhà vuông, mỗi nhà có 4 cột cái, gọi là tứ trụ hay tứ tượng. Loại này có diện tích mở rộng ra 4 phía bằng bộ kèo đâm và kèo quyết đều nhau, vuông vức, làm nơi thờ tự chứ không để ở. Đây cũng là kiên trúc chung của đình làng Việt Nam. Từ khi xây dựng đến nay, đình đã qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.
Tứ trụ của Chánh điện bằng cột gỗ căm xe tròn, những gian bên ngoài là cột vuông có tuổi hàng trăm năm; được gắn các liễn câu đối bằng chữ nho, tạo thêm vẻ trang nghiêm, cổ kính của ngôi đình. Vách trước của Chánh điện có nhiều khung kiếng với những hình trang trí hoa văn, chim phụng, rồng, hoa lá… được khắc họa với những đường nét công phu. Trên nóc mái đình có dàn Bát Tiên, tượng sư tử, Lưỡng long tranh châu và những hoa văn trang trí khác. Mái lợp ngói lá và ngói Phú Hữu (những phần được sửa chữa sau này). Trước đình có miếu thờ Ngũ Hành được xây dựng từ năm 1943.
Chánh điện thờ di ảnh Nguyễn Trung Trực, Thành Hoàng Bổn Cảnh, Tả ban, Hữu ban, Thái Giám, Bạch mã, Tiên Sư.
Ngày 13 tháng 3 năm 1942 (năm Bảo Đại thứ 14), vua Bảo Đại phong sắc thần cho đình Vĩnh Phú là: Tịnh Hậu Vực Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Thần, lệnh cho toàn dân lo phụng sự thờ cúng.
Mỗi năm đình tổ chức cúng 3 rằm lớn, cúng Hạ điền (10 – 11/12 âm lịch), cúng Kỳ yên (10 – 11/4 âm lịch) và cúng giỗ Thần (28/8 âm lịch), thu hút 3.000 – 4.000 lượt người đến dự.
Ngày 13 tháng 8 năm 2004, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Quyết định số 1568/QĐ.CTUB công nhận kiến trúc nghệ thuật đình Vĩnh Phú là Di tích cấp tỉnh.
Nguyễn Quốc Khánh
Ban tuyên giáo