Theo tín ngưỡng của người dân nam bộ nói chung đặc biệt là người dân miền tây nói riêng, thường có phong tục thờ thần, theo sử sách ghi lại cứ mỗi vùng đất có một vị thần thành hoàng người có công trong việc khai khẩn, gìn giữ vùng đất đó nên cứ đến ngày là
nhân dân trong vùng tổ chức lễ cúng (cúng đình) còn gọi là lễ hội kỳ yên để tạ ơn các bậc tiền hiền và cầu mong “mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an.” Huyện Thoại Sơn cũng có nhiều đình thờ thần và lễ hội kỳ yên được tổ chức bắt đầu từ tháng 2 kéo dài đến tháng 5 âm lịch, cụ thể:
- Ngày 11,12,13 tháng 2 âm lịch lễ hội kỳ yên đình xã Vĩnh Trạch,
- Ngày 19,20,21 tháng 2 lễ hội kỳ yên đình xã Bình Thành,
- Ngày 10,11,12 tháng 3 lễ hội kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu- Thị trấn Núi Sập
- Ngày 15,16,17 tháng 3 lễ hội kỳ yên đình xã Định Mỹ,
- Ngày 18,19,20 tháng 3 lễ hội kỳ yên đình Phú hữu xã Định Mỹ,
- Ngày 19,20,21 tháng 3 lễ hội kỳ yên đình Phan Thanh Giản.TT Óc Eo,
- Ngày 10,11,12 tháng 4 lễ hội kỳ yên đình Vĩnh Phú,
- Ngày 19,20,21 tháng 4 lễ hội kỳ yên đình TT.Phú Hòa
- Ngày 12,13,14 tháng 5 lễ hội kỳ yên đình xã Vĩnh Chánh,
Theo phong tục mỗi xã có Đình thường tổ chức lễ cúng tế trong 3 ngày, lễ này chính là lễ cầu an: cầu Trời thêm thanh bình, Đất thêm tươi tốt, Người được sống lâu, quỷ dữ bị tiêu diệt.
Đình ở Thị trấn Núi Sập thờ một vị đó là danh thần Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) một danh tướng lẫy lừng người đã có công trong việc khẩn hoang, lập ấp, đào kênh, đắp đường phát triển kinh tế, giữ yên bờ cõi vùng đất Tây Nam tổ quốc, ông đã để lại nhiều công trình lớn cho đời sau, riêng ở Thoại Sơn ông đã có công lớn trong việc đào kênh Thoại Hà, dựng bia lập làng Thoại Sơn. (nay là Huyện Thoại Sơn). Hiện ngôi đình thờ Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi, rộng rãi, thoáng mát, chung quanh có nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm.
Lễ hội Kỳ yên đình Thoại Ngọc Hầu được tổ chức trong 3 ngày (10,11,12 tháng 3 âm lịch hàng năm) đây là một lễ hội lớn nhất của người dân Thoại Sơn.
Trong lễ hội phần lễ tế được tiến hành hết sức nghiêm trang, đồ lễ do dân làng dâng cúng tùy theo khả năng và tâm nguyện của mỗi người, phần lễ bắt đầu với đầy đủ nghi thức dân gian truyền thống.
Từ 13 h ngày 10/3: lễ tế thần nông, 18 h ngày10/3 : dâng hương khai lễ, 00h lễ cúng Túc yết (lễ tế thần), 01h lễ xây chầu, (lễ đại bội) có 7 lễ phụ…09h ngày 11/3 hát tuồng phục vụ, 00h đêm 11/3 cúng chính tế, 03h sáng 12/3 hát tuồng phục vụ, Tiếp đến Lễ chánh tế, nghi thức diễn lại như lễ túc yết, sau phần dâng trà là phần ẩm thực mang ý nghĩa truyền thống, 13h ngày 12/3 là nghi thức cuối cùng lễ Tôn Dương,
Trước những ngày cúng đình bà con trong vùng đặc biệt là nhân dân quận Sơn Trà - Đà Nẵng quê hương Thoại Ngọc Hầu và những Tỉnh vùng lân cận dù có đi làm ăn xa cũng tề tựu về lễ hội Thoại Ngọc Hầu, cúng để tưởng nhớ ông người có công mở cõi và thành tâm cầu xin danh thần ban cho mọi người sức khỏe, an cư lạc nghiệp, mùa màng bội thu.
Một nét riêng biệt nhất trong lễ hội kỳ yên là những ngày diễn ra lễ hội ngoài quan niệm tâm linh những người dân đến cúng thần thì một phần đi đến đình để xem hát bội, đây là món ăn tinh thần, nét đặc trưng không thể thiếu của người dân nam bộ vì trong những ngày cúng đình họ thường mời đoàn hát bội hát rất hay, có đào kép trẻ, đẹp về để trình diễn, thường họ diễn những tuồng tích về trung hiếu, tiết nghĩa và nhất là những tuồng cổ xưa, bên cạnh đó còn có những người buôn bán nhỏ, các đoàn hội chợ họ cũng đổ về đây bắt đầu từ tháng 2 là điểm cúng đình đầu tiên và cứ theo lịch di chuyển qua đình khác để mua bán, phục vụ tổ chức vui chơi buôn bán sáng đêm….. trẻ em thì mặc áo mới nô nức đến đình để chơi và chọn mua những món đồ chơi cổ truyền mà chỉ có dịp hát đình mới có…
Lễ hội kỳ yên hàng năm thu hút hàng ngàn người cả người Việt và người Hoa ở khắp nơi quanh vùng tụ hội về tất cả tạo nên một mùa lễ hội nhộn nhịp, đây cũng là dịp để mọi người tỏ lòng tri ân đối với vị thần người có công với xóm ấp, và đây cũng là dịp cho mọi người gặp gỡ nhau sau những tháng ngày lao động mệt nhọc.
Từ năm 2002 ngoài việc tổ chức nghi lễ cúng đình Thoại Ngọc Hầu, được sự quan tâm của Huyện ủy- UBND- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang chỉ đạo Trung tâm Văn hóa tổ chức “lễ hội văn hóa truyền thống” để phục vụ bà con nhân dân. Trong những ngày này trong đình diễn ra phần nghi lễ, phía ngoài đình tổ chức các chương trình vui chơi giải trí, sân khấu hóa phục dựng lại cảnh Thoại Ngọc Hầu khai hoang mở cõi, đào kênh, dựng bia, lập làng, và các chương trình văn nghệ, nhiều các trò chơi dân gian như bịt mắt đập nồi, nhảy bao bố, đua thuyền, bắt vịt .. và rất nhiều những môn thể thao khác để phục vụ bà con trong 03 ngày diễn ra lễ hội.
Đặc biệt lễ hội cúng đình năm 2013 ngoài các nghi lễ truyền thống và các chương trình văn nghệ Trung tâm văn hóa có kế hoạch tổ chức cho các em học sinh khối Trung học phổ thông tham gia thi tìm hiểu thân thế sự nghiệp Danh thần Thoại Ngọc Hầu để các em có dịp hiểu biết thêm về bậc tiền hiền người đã có công lớn trong việc khai hoang mở cõi, bảo vệ biên cương tổ quốc.
Vậy lễ hội Kỳ Yên vừa mang ý nghĩa tạ ơn các vị thần có công với làng xã vừa mang đậm nét tâm linh một tập quán truyền thống của người dân miền tây nam bộ. Cho nên, đây là một hoạt động văn hoá đặc trưng là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân.