Thưa quý vị và các bạn, cách đây 256 năm, quê hương An Hải - Sơn Trà đã sinh ra người con ưu tú - danh thần Thoại Ngọc Hầu (Nguyễn Văn Thoại) mà tên tuổi đã gắn liền với núi sông nam bộ, ông là người đã lập nên những kỳ tích thay trời mở đất mênh mông. Và hơn 200 năm về trước ông đã nhận nhiệm vụ trấn thủ trấn Vĩnh Thanh, kim quản trấn Hà Tiên, việc làm đầu tiên khi ông đến vùng đất này đó là huy động người dân đào con kênh Thoại Hà và lập làng Thoại Sơn vào mùa Xuân năm Mậu Dần 1818. Trải qua năm tháng, ngày nay con kênh Thoại Hà vẫn ngược xuôi dòng chảy và làng Thoại Sơn năm xưa bây giờ đã ngày càng phồn vinh, phát triển.
Đất Thoại hôm nay có nhiều thay đổi, từ thị tứ đến làng quê vui vầy cuộc sống ấm no, tất cả nhờ công đức của các bậc tiền nhân trong đó mọi người vẫn mãi ghi ơn danh thần Thoại Ngọc Hầu - Nguyễn Văn Thoại, hàng năm vào ngày mùng 10, 11, 12 tháng 3 âm lịch, tại ngôi đền thờ Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân Núi Sập rộng rãi thoáng mát diễn ra lễ hội lớn nhất của người dân Thoại Sơn, đây là dịp để chính quyền địa phương báo công lên người những thành quả đã đạt được trong quá trình lao động sản xuất trên mảnh đất gắn liền với bước chân khai mở của người, nguyện sẽ là những thế hệ nối tiếp làm cho vùng đất này ngày càng giàu đẹp hơn. Sử sách còn ghi khẩu truyền còn đó vào đầu thế kỷ 19 đất Thoại Sơn xưa vẫn còn là nơi hoang địa, rừng thiên nước độc, hang ổ của muôn thú, sự sống tuy có tồn tại song bị cô lập với thế giới xung quanh, sinh mệnh của con người luôn bị đe dọa bởi sự khắc nghiệt của môi trường sơn lâm chướng khí, hiểm họa đói nghèo bệnh tật, thú dữ và cả sự cướp bóc của bọn thảo khấu luôn rình rập, cuộc sống người dân cùng cực không biết đến ngày mai. Và rồi 1 ngày kia, 1 danh tướng lẫy lừng người đã đến khẩn hoang, lập ấp đào kênh, đắp đường, phát triển kinh tế giữ yên bờ cõi vùng đất Tây Nam của Tổ quốc, ông đã đề lại nhiều công trình lớn cho đời sau. Riêng ở Thoại Sơn, ông đã có công lớn trong việc đào kênh Thoại Hà dựng bia lập làng Thoại Sơn.
Cùng với lễ hội kỳ yên diễn ra hàng năm, thu hút hàng ngàn người về đây để tỏ lòng tri ân đối với vị thần có công với vùng đất này. Từ năm 2002, huyện Thoại Sơn đã tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống để phục vụ cho bà con nhân dân nơi đây. Năm 2018 này là năm thứ 17 huyện Thoại Sơn tổ chức lễ hội văn hóa truyền thống và đặc biệt kỷ niệm 17 năm kết nghĩa giữa huyện Thoại Sơn và quận Sơn Trà – TP Đà Nẵng nơi sinh của Thoại Ngọc Hầu, cũng như tiếp tục thắt chặt mối quan hệ giữa Thoại Sơn và các đơn vị bạn trong đó có huyện Vũng Liêm- Tỉnh Vĩnh Long. Năm nào cũng vậy nhân kỷ niệm trọng thể ngày sinh của người lãnh đạo và nhân dân quận Sơn Trà cùng tề tựu về Thoại Sơn kính cẩn nghiêng mình trước anh linh tiền nhân, người đã có công khẩn hoang, lập làng, an sinh xã hội nơi vùng đất mới. Cùng tham dự lễ hội thắt chặt thêm mối quan hệ giữa 2 địa phương.
Chương trình sân khấu hóa tái hiện lại danh thần Thoại Ngọc Hầu nam tiến khai hoang mở cõi, đào kênh, dựng bia lập làng. Sân khấu hóa tạo nên nhiều cảm xúc, người xem có thể cảm nhận được một làng quê với biết bao truyền thống hào hùng từ thuở cha ông đi mở cõi, vừa mang đậm bản sắc của làng quê Việt Nam vừa chứa đựng nét đặc trưng văn hóa của người dân sớm chiều gắn bó với biển khơi xa, đó là nơi chôn nhau cắt rốn của danh thần Thoại Ngọc Hầu – Nguyễn Văn Thoại, làng An Hải xưa, quận Sơn Trà – TP. Đà Nẵng ngày nay.
Sau 40 năm theo đường binh nghiệp, đã từng ra Bắc vào Nam, 2 lần sang Lào 7 lượt sang Xiêm và 11 năm lãnh ấn bảo hộ cao miên đến khi nhậm chức ở trấn Vĩnh Thanh, ông đã xem việc nắm vững địa thế và dân tình là điều hệ trọng và ông đã bắt tay ngay vào công việc. Nhận thấy việc bảo vệ trấn biên khi có xảy ra việc binh biến hoặc trao đổi hàng hóa thời đó giữa Hà Tiên, Rạch Giá về trấn Vĩnh Thanh đều phải đi bằng thuyền vòng qua đường biển và qua những kênh rạch quanh co. Ông liền nghĩ cần phải tạo ra con đường tắt để tiện nhất từ Kiên Giang về Đông Xuyên với ý tưởng manh nha về 1 dòng kênh nối liền Đông Xuyên với Rạch Giá ông liền tổ chức ngay việc đi khảo sát thực địa. Khởi hành từ lúc rạng đông ngược dòng kênh Đông Xuyên theo hướng Tây men theo bờ lao sậy và rừng già, không quản ngại đường xa diệu vợi phải băng rừng vượt suối, ông cùng đoàn tùy tùng đã đặt chân đến cuối con rạch Lạc Dục, một nhánh nhỏ của kênh Đông Xuyên, xuôi dòng từ Ba Bần đến chân Núi Sập khi ánh chiều tà đã tắt ở lưng chừng núi và hoàng hôn đang dần buông xuống phía trời xa.
Mùa Xuân năm Mậu Dần 1818, được sự chuẩn tấu của Vua, cụ Thoại đã chiêu tập dân binh và phát lệnh đào kênh hơn 1500 người ngày đêm luân phiên đào đắp phát hoang cỏ dại nạo vét cát bùn để mở rộng rạch cùng Lạc Dục từ Ba Bần vào đến Núi Sập rồi mới đào thẳng hướng Núi Sập – Kiên Giang để hình thành kênh mới. Sau ngày Đông Chí năm Minh Mạng thứ 3 1822, Thoại Ngọc Hầu đã cùng nhân dân long trọng mở hội dựng bia và chính thức lập làng Thoại Sơn. Địa danh Thoại Sơn đã được sinh ra và đi vào lịch sử đến nay tròn 200 năm. Với tấm lòng trọn đời vì nước vì dân, trong 52 năm thực thi công vụ danh thần Thoại Ngọc Hầu đã lập nhiều chiến tích và công trạng, là 1 tướng lĩnh tài ba 1 nhà ngoại giao kiệt xuất 1 nhà doanh điền lỗi lạc, nhưng lúc sinh thời nếu có ai nhắc đến, ông vẫn thường giải bày những việc ông tâm quyết vì dân chẳng qua là trách nhiệm với nước.
Dẫu thế sự đổi dời, dẫu trải qua bao thế hệ, song tên người Nguyễn Văn Thoại vẫn sáng ngời trong tâm thức của người dân Sơn Trà và Thoại Sơn cũng như con nước đầy vơi trên kênh Thoại Hà mãi mãi chảy vào lòng người qua bao thế hệ./.
Mỹ Tiên