Tại chùa Ông Bổn thị trấn Núi Sập, hằng năm cứ vào rằm tháng Giêng, hội người hoa trên địa bàn huyện có tục đến chùa tham dự lễ hội cho vay đúc Lân đường...Vì hình Lân với ý nghĩa may mắn, làm ăn suôn sẻ suốt năm, với ước muốn tạo sự ngọt ngào vui vẻ, làm ăn ngày càng phát đạt cho gia đình trong suốt cả năm.
Theo đó, gia đình ông Vương Bĩnh Thuận tại thị trấn Núi Sập là gia đình có truyền thống 3 đời làm Lân đường, cứ mỗi năm một lần đến rằm tháng giêng, gia đình ông đổ khoảng 300 Lân Đường đủ kích cỡ lớn, nhỏ để phục vụ lễ hội.
Ông Thuận cho biết: Lân đường được làm từ đường cát trắng, để tạo ra Lân đường đẹp, không bị vỡ, phải dùng đúng loại đường tốt và khi nấu phải luôn khuấy đều tay cho đường tan đều. Bằng kinh nghiệm dân gian, khi nấu thì mình nhìn và mũi nhận biết mùi thơm khi đường tới độ là tắt lửa, nhắc xuống đổ vào khuôn. Khi đổ xong, họ rửa khuôn ngay và để Lân đường nơi thoáng mát 3 đến 5 ngày tùy theo kích cỡ. Khuôn đúc gồm 2 thanh gỗ ráp lại, trong khuôn có hình con Lân được chạm khắc tinh xảo. Điều đặc biệt những con Lân đường, để đến cả năm không hư bể.
Sau khi hoàn thành xong các khâu, vật phẩm Lân đường sẽ được đưa lên bàn Phật cúng ở chùa. Sau đó, sẽ phát lần lượt cho đến hết. Bà con rất cẩn trọng khi mang đường về nhà. Theo niềm tin, người dân quê không để đường sứt, mẻ hay bị bể, vì họ sợ việc không may đó sẽ khiến công việc làm ăn không thuận lợi. Đến cuối năm, người ta dùng Lân đường đó nấu nồi chè cả nhà cùng ăn và tiếp tục đợi đến tháng Giêng sang năm đi thỉnh điều ước mới.
Vay Lân đường không chỉ là lễ hội, phong tục mang ý nghĩa tâm linh, mà còn đem lại niềm tin cho bà con trong cả năm làm ăn, sinh sống may mắn, an lành.
Kim Cương, Trang Phong