Thưa quý vị và các bạn. Để giúp du khách có thêm những trải nghiệm mới lạ, thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu và khám phá những giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương. Đặc biệt, tình hình hiện nay, khi du lịch của địa phương không giữ chân khách lưu trú thì việc phối hợp để tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn sẽ góp phần giữ chân du khách mỗi dịp đến với Thoại Sơn. Đồng thời, để xây dựng sản phẩm du lịch mới phục vụ khách khi tham quan. Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa Óc Eo đã cho dựng lại điệu múa Óc Eo thành một sản phẩm du lịch mang giá trị văn hóa.
Theo đó, Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa Óc Eo đã thường xuyên khai giảng lớp múa Óc Eo đào tạo các bạn trẻ về các điệu múa này. Chủ yếu là các em học sinh trường THCS Nguyễn Công Trứ, trường trung học phổ thông Vọng Thê, sau đó sẽ tuyển chọn được 1 nhóm múa cốt cán, sẵn sàng biểu diễn phục vụ tại các chương trình văn hóa-văn nghệ nhằm quảng bá điệu múa Óc Eo. Mới đây, nhóm múa đã biểu diễn phục vụ đoàn khảo sát tuyến, điểm du lịch tại An Giang tại Gò Cây Thị, phục vụ các đêm văn nghệ trong Tháng Du lịch An Giang năm 2017 tại TP. Châu Đốc.
Em Nguyễn Thị Kỳ Hương – Du khách Cần Thơ chia sẽ: “ Ngoài việc nhìn ngắm những di tích, cổ vật ở nơi đây thì một điều làm tôi đặc biệt ấn tượng đó là điệu múa của vương quốc Phù Nam xưa, trang phục thì rất đẹp, bắt mắt, các động tác trông đơn giản nhưng đồi hỏi độ chính xác, nhịp nhàn của các vũ công với nhau”
Bài múa tái hiện điệu múa Óc Eo của NSND Đặng Hùng sáng tác với các động tác múa đơn giản, ít đòi hỏi sự mềm dẻo, uốn éo của tay, chân và cơ thể. Một bài múa Óc Eo tổng thể dài 15 phút, gồm có 3 bài múa nhỏ là “Ông voi”, “Lưỡi kiếm” và “Sum họp”, thể hiện hình ảnh sinh hoạt, chiến đấu, sức mạnh chinh phục thiên nhiên, bảo vệ bờ cõi xứ sở của người Phù Nam. Đặc biệt, bài múa cuối “Sum họp” có thể sinh hoạt trong môi trường tập thể hàng trăm người điệu múa này du khách của có thể cùng trải nghiệm cùng.
Bởi, với việc tái hiện những động tác trong sinh hoạt, chiến đấu kèm theo trang phục, nền nhạc cổ thể hiện sự oai hùng, linh thiêng tạo nên nét hấp dẫn không chỉ với các nhà nghiên cứu, khảo cổ mà còn thu hút du khách, đoàn viên, thanh niên và các tầng lớp Nhân dân tham gia.
Em Nguyễn Sơn Tung – Trường THPT Vọng Thê cho biết: “Thông qua các điệu múa này chúng em muốn giới thiệu những nét sinh hoạt, văn hóa truyền thống của cư dân Phù Nam xưa đến với du khách trong và ngoài địa phương”
Ban Quản lý rất phấn khởi về thành công bước đầu của hoạt động và đang cố gắng hoàn thiện các bài múa. Đây được xem là hoạt động giới thiệu nền văn minh rực rỡ của vương quốc Phù Nam một cách sinh động cho khách tham quan. Hy vọng rằng hoạt động này của Ban Quản lý Khu Di tích Văn hóa Óc Eo sẽ có những khởi sắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
Kim Cương – Thanh Cần