Từ thành phố Long Xuyên, qua thị trấn Phú Hòa, chúng tôi lên Thoại Sơn, mảnh đất nhiều huyền thoại của tỉnh An Giang. Đây cũng là điểm du lịch độc đáo và hấp dẫn du khách gần xa. Huyện Thoại Sơn bây giờ có ba thị trấn đều nằm trên tỉnh lộ 943.
Qua thị trấn Phú Hòa, rồi xã Vọng Thê, đến thị trấn Núi Sập, đi tiếp chừng 12 cây số đến thị trấn Óc Eo dưới chân núi Ba Thê.
Vào đầu thế kỷ 19, vùng Thoại Sơn rất hoang vu, bát ngát cây rừng cỏ dại. Lạch nước tuy có sẵn nhưng nhỏ hẹp, bùn đọng, cỏ lấp, thuyền qua lại không nổi. Con sông Đông Xuyên (nay là Long Xuyên) chỉ kéo dài đến Ba Bần, mọi giao thông của tàu thuyền từ Long Xuyên và đồng bằng sông Cửu Long muốn sang Rạch Giá, Hà Tiên hay ngược lại đều phải đi đường biển vòng xuống Cà Mau.
Năm 1817 khi Thoại Ngọc Hầu về trấn thủ Vĩnh Thanh, sau khi khảo sát thực tế, nghiên cứu địa hình vùng tứ giác Long Xuyên, ông chủ trương đào kênh Đông Xuyên - Rạch Giá, đầu kênh tại Ba Bần (Ba Dầu hiện nay). Mùa xuân 1818, việc đào kênh được khởi công. Kênh đào theo lạch nước cũ nên sau một tháng đã hoàn thành. Bề ngang kênh 61m, chiều dài tới Rạch Giá là hơn 30km và là con kênh đào sớm nhất ở miền Nam.
Núi Ba Thê là đỉnh cao nhất trong nhóm núi tạo thành từ đá hoa cương, gồm núi Nhỏ và núi Trọc ở phía Bắc, núi Tượng về phía Đông Bắc, núi Trọc nằm ở giữa thị trấn Thoại Sơn và xã Vọng Thê, núi Sập ở phía Đông. Gò Óc Eo cách chân núi Ba Thê khoảng hơn 1km về phía Tây Nam. Núi Ba Thê có đỉnh Thạch Đại Đao. Trên đỉnh núi có dựng một thanh đại đao bằng đá, trông lừng lững, uy nghi. Truyền miệng dân gian nơi đây kể rằng, từ rất xa xưa, trong một đêm mưa gió, lưỡi tầm sét đã đánh vào tảng đá lớn trên đỉnh núi này. Tảng đá bị chẻ nhỏ, hiện lên một cây đại đao. Từ đó, núi mang tên Thạch Đại Đao. Và người ta đã dựng cây đại đao “trời cho” bằng đá này vươn cao trên đỉnh núi, chĩa thẳng lên mây trắng trời cao, dựng miếu thờ và tượng Phật, cầu cho hùng khí hưng phát, non sông, đất nước bền vững.
Trên đỉnh núi này còn dựng một bia chiến công của Quân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trên tấm bia đá có ghi: “Nơi đây, ngày 6-5-1968, Đội biệt động Ba Thê do đội trưởng Nguyễn Văn Muôn chỉ huy đã dũng cảm, mưu trí đánh tiêu diệt 29 tên địch đóng đồn Hoa Thế Sơn”.
Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một lần về thăm và làm việc với huyện Thoại Sơn đã nói: Thoại Sơn là trung tâm của vùng Tứ giác Long Xuyên, có nhiều di tích lịch sử từ xa xưa, giàu truyền thống cách mạng, cần khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Thoại Sơn phải trở thành một trong những điểm sáng trên vùng Tứ giác Long Xuyên.
Anh Đặng Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND thị trấn Óc Eo cho biết: Tỉnh lộ 943 từ thành phố Long Xuyên lên thị trấn Óc Eo đã được nâng cấp nhưng đoạn từ núi Ba Thê đi Tri Tôn, Tịnh Biên rồi vòng qua Châu Đốc chưa được đầu tư xây dựng, còn rất khó đi. Vì vậy, du khách đến thị trấn Óc Eo hằng năm vẫn chưa nhiều. Nếu du lịch nơi đây phát triển, kèm theo dịch vụ du lịch, chúng tôi tin rằng thu nhập và đời sống của người dân thị trấn cũng tăng lên đáng kể. Được biết tới đây ngành du lịch An Giang có kế hoạch xây dựng ở đây một tuyến cáp treo để phục vụ du khách. Khi có tuyến cáp treo, du khách đến đây không phải thuê “xe ôm” lên đỉnh núi.
Sau khi thăm “Nhà trưng bày cổ vật văn hóa Óc Eo” được xây dựng khang trang trên đỉnh núi Ba Thê, cũng đã xế bóng sang chiều, chúng tôi xuống núi. Ngồi sau xe hon đa với gió rừng vi vút, tôi như nghe văng vẳng đâu đây khúc hát về miền đất sơn thủy hữu tình Thoại Sơn: Núi soi bóng kênh xanh/ Mây trắng lưng trời vờn quanh Ba Thê lộng gió/ Ai từng qua đây lòng gợi nhớ/ Một Ba Thê lừng lững giữa xa rộng đất trời An Giang.