Sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh cùng các di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng, Thoại Sơn xác định đó là nguồn tài nguyên quan trọng cho chiến lược phát triển kinh tế – xã hội. Để biến tiềm năng thành hiện thực, địa phương đang triển khai thực hiện kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 theo hướng quy mô và bền vững.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển DL giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thoại Sơn sẽ tập trung xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên những tài nguyên đủ điều kiện và tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến. Đặc biệt, Thoại Sơn tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa- tâm linh… phấn đấu đưa Du lịch Thoại Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương. UBND huyện đã kêu gọi các dự án đầu tư phát triển du lịch gắn với chú trọng đầu tư, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh thắng, xây dựng công trình văn hóa, tạo điểm nhấn, ấn tượng phục vụ du khách đến tham quan.
Theo ban chỉ đạo phát triển du lịch huyện, từ đầu năm đến nay đã xây dựng webside và nhận diện thương hiệu cho du lịch, đã khảo sát thống kê làng nghề truyền thống: bó chuổi cọng dừa xã Vĩnh Chánh, khô cá lóc Núi Sập, đá thủ công mỹ nghệ; nghề hiện đại đại có tranh lá thốt nốt, tranh võ trứng. Hiện toàn huyện có 9 đình, 5 miếu, 75 cơ sở thờ tự, tạo ra môi trường du lịch an toàn, ưu tiên giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân làm du lịch, đánh giá lại cơ sở vật chất khu du lịch….
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Kiên Giang Phát (Kiên Giang) đã làm việc với huyện về dự án đầu tư phát triển du lịch tại khu vực lòng hồ số 1 - lòng Hồ Ông Thoại, với các hạng mục công trình như: khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, khu vui chơi, giải trí… với kinh phí giai đoạn 1 khoảng 90 tỷ đồng, để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, chiêm ngưỡng. Qua đó, UBND huyện và cty cổ phần Kiên Giang Phát đã bàn phương án kỹ thuật khảo sát xây dựng, phương án đấu giá để giao đất, cho thuê đất, nhà và vật kiến trúc khu đất lòng hồ số 1, khu thung lũng thị trấn Núi Sập. Theo đó, khu đất lòng hồ số 1 cho thuê với diện tích 98.760,1 mét vuông là đất sạch được giải phóng mặt bằng làm du lịch, được đầu tư đầy đủ về hạ tầng giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp và thoát nước; khu thung lũng thị trấn Núi Sập cho thuê với diện tích 126.961,6 mét vuông là đất sạch, đất núi đá do nhà nước quản lý, trên khu đất này có núi đá, nhà vật kiến trúc đã xây dựng.
Song song đó, việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm không chỉ là niềm vui chung đối với tín đồ, phật tử, mà sau này, khi công trình hoàn thành sẽ góp phần mang lại vẻ mỹ quan về mặt kiến trúc, văn hóa cho địa phương. Cùng với các di tích văn hóa, lịch sử và các tiềm năng kinh tế, xã hội khác sẽ tạo điều kiện thúc đẩy du lịch huyện nhà. Tổng diện tích xây dựng Thiền viện Trúc Lâm An Giang khoảng 11 héc-ta để xây dựng 16 hạng mục công trình xây dựng gồm: cổng tam quan, chánh điện, tổ đường, trai đường, thiền đường, lầu chuông, lầu trống, tăng đường 1, tăng đường 2, nhà khách ni, nhà khách tăng, giảng đường, nhà sư phụ, nhà hòa thượng, tháp thờ Xá lợi phật, tượng Quan Âm. Ngoài ra, huyện Thoại Sơn còn bàn giao 1 héc-ta đất trên đỉnh núi Sập để Thiền viện xây dựng chùa và các hạng mục khác. Điểm nổi bật là hạng mục chính là chính điện và tổ đường có diện tích 2000m2.
Cùng với các dự án phát triển du lịch huyện đầu tư các tuyến đường chính để phục vụ du lịch như tuyến tỉnh lộ 943 (đoạn từ thị trấn Phú Hòa – Núi Sập), tuyến đường Võ Văn Kiệt, tuyến đường liên xã.
Phát biểu tại cuộc họp về phát triển du lịch của huyện Ông Phạm Minh Tâm – Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: Trong thời tới các ngành phải có kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể của ngành mình, tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá du lịch cũng như định hướng phát triển du lịch của huyện, mở lớp tập huấn về du lịch cho cán bộ chủ chốt, doanh nghiệp, người dân làm du lịch, cần khai thác mô hình homestay, tăng cường công tác kiểm tra cơ sở lưu trú, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tạo được lòng tin sự yên tâm cho khách du lịch khi đến với Thoại Sơn để nâng cao chất lượng, đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch
Với các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng; chủ động kêu gọi các nhà đầu tư. Tin rằng, trong thời gian tới Du lịch Thoại Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống người dân địa phương
Kim Cương – Ngô Quyền