Có tuổi đời trên 80 năm, thế nhưng làng nghề mộc gia dụng xứ cù lao Ông Chưởng lại trầy trật và thăng trầm với thời gian. Làng nghề có xuất thân từ việc tận dụng phế phẩm gỗ vụn để đóng thành những sản phẩm gia dụng phục vụ người nghèo có tuổi đời lâu nhất
nhì xứ cù lao lại là một trong những làng nghề đang chịu nhiều thiệt thòi nhất trong 10 làng nghề truyền thống của huyện Chợ Mới.
Làng nghề của người nghèo:
Gọi như thế bởi làng nghề mộc gia dụng xã Long Giang (Chợ Mới) sản xuất những sản phẩm giá rẻ, những sản phẩm phục vụ cho tuyệt đại đa số người dân có mức sống từ trung bình trở xuống. Làng nghề mộc gia dụng xã Long Giang xuất hiện từ những năm 1930 -1940 của thế kỷ trước. Ông ba Doãn (Nguyễn Văn Doãn, 75 tuổi, ấp Long Thạnh 1, xã Long Giang), một trong những người cố cựu theo nghề mộc từ thuở bé cho biết: “Từ thời tui còn nhỏ đã thấy cha tui (ông Nguyễn Văn Quốc, một trong những người đầu tiên đem nghề mộc về nơi đây, P.V) làm nghề mộc này. Trước chủ yếu là mần tán, lọng, mài chân đèn… sau mới theo nghề tủ bàn ghế. Dân ở đất này trước nghèo lắm, nên đâu có tiền mà mua gỗ tốt, danh mộc để làm. Ban đầu đi mua còng, xoài về đóng mấy cái ghế đôn, cưa lọng… Sau cây cũng ít nên đi mua gỗ vụn, gỗ mép của các trại cưa, trại mộc lớn bên Chợ Thủ, Mỹ Hiệp, Cao Lãnh về cưa, đóng, ghép. Từ dạo ấy, người này chỉ người kia rồi mần luôn cái nghề mộc cho tới bây giờ”. Người theo nghề mài lọng, chân đèn, lư hương, bộ lư gỗ như ông ba Doãn không còn nhiều mà người theo nghề mộc gia dụng chiếm phần đông.
Có lẽ do lịch sử xuất thân là thế nên ngày nay, làng nghề mộc gia dụng xã Long Giang cũng chuyên đóng các sản phẩm giá rẻ phục vụ người nghèo. Một chiếc tủ chén qua hàng trăm công đoạn cũng chỉ trên dưới 300 ngàn đồng. Một chiếc tủ áo, cái giường ngủ cho con cái cưới hỏi ra riêng cao lắm chỉ tròm trèm 500 ngàn đồng là đủ.
Lay lắt đời thợ mộc:
Dẫn chúng tôi thăm làng nghề, anh Nguyễn Thanh Triều, Trưởng ấp Long Thạnh 1 (xã Long Giang, Chợ Mới) nói: “Dân ở đây tuy cuộc sống có khá hơn trước nhưng vẫn còn nghèo lắm, dẫu họ đã thoát nghèo do có công ăn việc làm ổn định nhưng mức sống vẫn còn thấp. Họ mần trước, trả sau là chủ yếu. Đời thợ mộc là thế”. Thực vậy, dọc tuyến lộ nhựa dài trên dưới cây số, chẳng có mấy nhà tường khang trang nhưng hoạt động sản xuất vẫn tất bật. Gặp chú út Dũng (Dương Minh Dũng, ngụ ấp Long Thạnh 1) đang cặm cụi khoan ngàm đóng tủ, ngơi tay chú bảo: “Ba đời làm thuê, cái đời thợ mộc cũng chẳng khá giả gì. Ngày kiếm vài chục ngàn đồng lo cơm nước trong nhà là may lắm rồi”. Ngôi nhà tuềnh toàng cặp mép kênh Ông Chưởng của chú út Dũng, nơi mà chúng tôi trò chuyện cũng đã lỗ chỗ “lỗ thông hơi”. “Tính sửa lâu lắm rồi nhưng mần trước, trả sau tiền đâu mà sửa” - chú Út cười méo xệch.
Tuy để đóng thành phẩm một chiếc tủ hay một cái giường phải qua rất nhiều công đoạn, thế nhưng vì đây là sản phẩm giá rẻ, bán cho người có thu nhập thấp nên tiền công cho một công đoạn (làm xà, đố, cò, sơn…) cũng chỉ vài ngàn nên thu nhập của nhân công theo nghề mộc nơi đây chỉ vài chục ngàn đồng/ ngày. Tuy nhiên, theo anh Triều, tuy cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả, nhưng rất mừng là tất cả con em làng nghề đều được học hành đến nơi đến chốn. Hiện làng có khoảng 25 em đang theo học từ bậc học cao đẳng trở lên, hứa hẹn sự đổi đời thế hệ tiếp theo ở làng nghề.
Hướng phát triển làng nghề:
Được chính thức công nhận làng nghề từ năm 2008, thế nhưng hơn năm qua, làng nghề mộc gia dụng Long Giang cũng chưa có khởi động gì mới, cả chuyện hỗ trợ, vay vốn ưu đãi để phát triển vẫn chưa có động thái nào. Anh Nguyễn Minh Triều, Chủ nhiệm làng nghề đưa chúng tôi mấy quyết định liên quan đến làng nghề rồi bảo: “Cả làng theo thống kê có 116 hộ theo nghề, hơn 500 lao động làm việc thường xuyên, hàng ngàn lao động làm việc bán thời gian. Tuy nhiên, đến nay chúng tôi vẫn cứ tự bơi mà sống. Vốn liếng thì của vay bạc hỏi, mượn trước trả sau nên phần đông người theo nghề gỗ gia dụng nơi đây vẫn cứ lay lắt qua ngày”. Chú út Dũng bên bàn khoan ngàm.
Một khó khăn khác mà bà con phản ánh chính là khâu vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm đang gặp thế bí. Mặt hàng gỗ gia dụng khá nặng chỉ có thể vận chuyển bằng đường bộ (xe tải là nhanh nhất), thế nhưng, cầu và đò ngang dọc tuyến xã Long Giang phục vụ di chuyển sản phẩm khỏi làng nghề không đáp ứng tải trọng; đường thủy thì tốn kém thời gian, tiền vận chuyển cũng cao nên nâng giá thành sản phẩm. Thêm vào đó, đầu mối tiêu thụ hiện cũng chưa đảm bảo, lúc này, lúc khác nên bà con làm ra sản phẩm cứ thấp thỏm ở khâu tiêu thụ. Một tín hiệu vui mới cho làng nghề là việc tỉnh, huyện Chợ Mới, xã Long Giang đang tiến hành các khâu thành lập tổ liên kết sản xuất, tiến tới thành lập hợp tác xã. Thế nhưng, theo anh Triều, “Để thành lập được tổ liên kết thì phải có sự gắn kết giữa những người làng nghề và người muốn vào tổ cần thấy được những ưu đãi thiết thực, bộ máy vận hành của tổ phải đảm bảo… Tất cả những điều đó nếu giải quyết tốt mới mong tổ liên kết có thể hình thành và đứng vững”.
Đem các vấn đề trên trao đổi với Phó Chủ tịch UBND xã Long Giang, đồng chí Đinh Thị Bích Hạnh chia sẻ: “Xã cũng thấy được cái khó của làng nghề. Hiện làng nghề vẫn duy trì trong trạng thái hết sức bấp bênh, bà con tự lực trong khâu sản xuất, tiêu thụ, vốn lưu động. Âu đó cũng là cái khó chung của nhiều làng nghề, nhưng để làng nghề phát triển thì chuyện vốn liếng, vấn đề hỗ trợ khi liên kết… là những yếu tố hết sức quan trọng. Với vai trò cấp xã, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nên chăng có sự giúp sức từ Phòng Công thương huyện, Sở ngành cấp tỉnh, ngân hàng… giúp làng nghề gỗ gia dụng Long Giang có bước phát triển, đừng mai một trong tương lai”.