Khu di tích Óc Eo thuộc TT Óc Eo huyện Thoại Sơn, là di chỉ văn hóa có qui mô lớn nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và được coi là trung tâm của nền văn hóa Óc Eo được phân bổ trên sườn,
chân núi Ba Thê và trên cánh đồng Giồng Cát, Giồng Xoài ở phía Đông của dãy núi này, được nhà khảo cổ người Pháp tên L.Malleret phát hiện và khai quật lần đầu vào tháng 2 năm 1944.
Từ kết quả khai quật, kết hợp với việc phát hiện nhiều di chỉ khảo cổ được coi là thuộc nền văn hóa này, L.Malleret đã lần lượt đưa ra những nhận định, kiến giải quan trọng liên hệ đến văn hóa-lịch sử cổ xưa của vùng đất này.
Nền văn hóa Óc Eo hội tụ nhiều luồng văn hóa cổ, từ truyền thống văn hóa thời kỳ đồ đá Nam Đông Dương, văn hóa Ấn Độ cổ đại, đến các yếu tố văn hóa Địa Trung Hải và với cả Trung Hoa, mà trong đó yếu tố văn hóa Ấn Độ chiếm vai trò chủ đạo.
Văn hóa Óc Eo gắn liền với sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam-Một trong những quốc gia cổ đại được hình sớm nhất ở Đông Nam Á vào thế kỷ thứ I đến thứ VII sau Công Nguyên.
Khu di tích Óc Eo ở TT Óc Eo huyện Thoại Sơn là một đô thị cổ và là một thành phố cảng của vương quốc Phù Nam đã từng đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ giao thương giữa nội địa với thế giới bên ngoài trên con đường hàng hải giữa phương Đông và phương Tây.
Về niên đại khu di tích Óc Eo Sau cuộc khai quật của nhà khảo cổ L.Malleret dựa vào sự khác biệt của các cổ vật thu thập được trong khu di tích này cho thấy rằng: Ở đây đã có 3 niên đại xuất hiện lẩn lộn, một sự phối hợp được thể hiện bởi 3 kiểu dụng cụ bằng đá, bằng đồng và bằng sắt. Có lẽ từ những ngày đầu cư dân ở đây đang đứng trước một nền văn hóa đánh dấu một chặng đường cuối cùng của giai đoạn đồ Đá đã được xác định ở miền Nam Đông Dương (370-320 TCN). Đồng thời dựa vào những hoa văn cổ, những ghi chép ngắn trên đồ vật bằng vàng, bạc, chì, đá quí thu thập được trong khu di tích. L.Malleret đã chứng minh văn hóa Óc Eo là sản phẩm vật chất của Vương Quốc Phù Nam-Một quốc gia cổ đại đã tồn tại từ giữa thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI, VII sau Công Nguyên.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, các nhà khảo cổ học đã nghiên cứu những pho tượng, linh vật, vật liệu kiến trúc lớn bằng đá được tìm thấy thuộc thời kỳ muộn, có niên đại từ thế kỷ thứ VIII đến X sau Công Nguyên.
Có thể nói văn hóa óc Eo có giá trị rất lớn trong nghiên cứu lịch sử Vương quốc Phù Nam. Các nhà sử học, khảo cổ học của nước ta và thế giới chủ yếu dựa vao các di vật để lại trong lòng đất của nền văn hóa này mà đoán định và giải đáp những khúc mắc về lịch sử quốc gia này.
Nền văn hóa Óc Eo mặc dù đã lụi tàn từ hơn một ngàn năm trước nhưng với nổ lực của chúng ta ngày nay , lịch sử vùng đất này đang sống lại. Văn hóa Óc Eo đã phản ánh đầy đủ và sinh động nhất về lịch sử một quốc gia cổ một thời làm chủ khu vực-Vương quốc Phù Nam.
Thanh Phong