Ở thị trấn Núi Sập (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) có một người họa sĩ nghiệp dư đã lấy lá thốt nốt ghép thành tranh và dùng mỏ hàn điện để làm nên những tác phẩm độc đáo, chưa từng thấy ở bất cứ sản phẩm mỹ thuật nào.
Thốt nốt là loại cây trồng phổ biến ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang). Lâu nay người ta chỉ sử dụng trái thốt nốt và nước thốt nốt như một thực phẩm giải khát và chế biến đường. Còn lá thốt nốt là phế phẩm ít được sử dụng.
Các công đoạn để từ lá thốt nốt thành tranh như sau:
Lá thốt nốt (lá non) được mua về phơi khô rồi phân loại theo màu: vàng, vàng đậm, trắng... và tách nhỏ ra. Nghệ nhân sẽ phác họa bức tranh trên nền ván ép rồi ghép từng sợi nhỏ được tách ra từ lá thốt nốt lên nền đó.
Giai đoạn đòi hỏi tính mỹ thuật là chấm phá tạo hình cho bức tranh. Không dùng cọ, không dùng sơn, chỉ với mỏ hàn điện ông Tạng đã thổi hồn cho tranh lá. Tùy theo độ nóng mà chỗ đốt có sắc độ khác nhau: đen, nâu, vàng... để tạo thành bức tranh sống động.
Hiện nay phòng tranh của ông Tạng nhận được rất nhiều đơn đặt hàng mua tranh. Đó thường là các mẫu tranh phong cảnh - nhất là phong cảnh An Giang - được khách du lịch mua làm quà lưu niệm, như tranh Miễu Bà Chúa Xứ, khu lưu niệm Bác Tôn... Ngoài ra bạn có thể gửi ảnh chân dung của mình đến để các nghệ nhân vẽ lại trên lá thốt nốt.
Vài nét về ông Võ văn Tạng:
Ông tên Võ văn Tạng. Hơn 10 năm trước ông là giám đốc Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp huyện Thoại Sơn, An Giang, còn bây giờ ông là nghệ nhân vẽ tranh trên lá thốt nốt ở thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn.
Thật ra từ bé và trong thời gian làm quản lý ngân hàng, ông Tạng đã đam mê vẽ tranh rồi, thế nhưng cơ duyên dẫn ông đến chuyện làm tranh bằng lá thốt nốt bắt nguồn từ một chuyến tham quan cơ sở đề xét cho vay vốn cho một hộ nông dân Khmer ở xã Vọng Thê năm 1998. Người nông dân này vay vốn để làm quạt bằng lá thốt nốt. Ông Tạng nhận thấy lá thốt nốt đẹp, bền, có thể làm tranh được. Rồi khi đến chùa Skvong ở Tịnh Biên, ông thấy những bộ kinh xưa viết trên lá thốt nốt đã hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn. Thế là ông quyết tâm vẽ tranh bằng lá thốt nốt.
Bức tranh đầu tiên do ông Tạng vẽ trên lá thốt nốt là tranh đàn hạc đậu trên cành cây, hoàn thành năm 1998 làm mọi người sửng sốt, vì không ngờ với lá thốt nốt tầm thường có thể làm tranh đẹp như vậy. Thế nhưng mãi đến năm 2004, khi nghỉ hưu, ông Tạng mới có thể toàn tâm mở ra một phòng tranh chuyên vẽ tranh bằng lá thốt nốt, cũng là nơi tạo công ăn việc làm cho một số thanh thiếu niên ở Núi Sập.
Ông Tạng cho biết: "Khi đến viếng chùa Skvong (Tịnh Biên) được chiêm ngưỡng những bộ kinh xưa mà người Khmer qua kinh nghiệm dân gian đã dùng lá này để viết kinh, đến nay có tuổi đời hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn, tôi thấy mê lắm. Tôi cũng mua lá thốt nốt về, trước khi làm tranh, thử nghiệm hai năm thì đặc biệt lá này ngoài màu sắc đẹp, lá dày, dẻo còn có độ bền và ít bị mối mọt".
Vậy là người họa sĩ nghiệp dư Võ Văn Tạng đã quyết định dùng lá thốt nốt làm chất liệu cho tranh. 6 năm qua nhiều bức tranh mang dáng dấp quê hương được ông làm ra hầu hết dành để tặng bạn bè, người quen. Đặc biệt là những bức tranh về miền sông nước Cửu Long, về vùng đất Thất Sơn, Bảy Núi quê ông...
Để làm thành một bức tranh cũng thật kỳ công. Lá thốt nốt (phải là lá non) được mua từ huyện Tịnh Biên về phơi khô rồi phân loại theo màu: vàng, vàng đậm, trắng... và tách nhỏ ra. Từ đây có thể bắt tay vào làm tranh.
Nghệ nhân sẽ phác họa trên nền ván ép và bằng từng sợi nhỏ được tách ra từ lá thốt nốt, người làm tranh phải ghép lại tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn hàng tuần liền mới xong. Công sức của người ghép tranh ở giai đoạn tạo dáng tạo hình được ghi nhận như một sản phẩm của nghề tiểu thủ công. Đây là công việc mà ai cũng có thể làm được.
Thế nhưng vào giai đoạn chấm phá thì việc ghép tranh thiên về lĩnh vực mỹ thuật. Không dùng cọ, không dùng sơn, chỉ với mũi hàn điện ông Tạng đã thổi hồn cho tranh lá. Đến giai đoạn này thì tranh hoàn thành, trông thật sống động và đặc biệt thoạt nhìn người xem khó thể đoán được chất liệu độc đáo của sản phẩm.
Ông Tạng là người đầu tiên dùng lá thốt nốt làm chất liệu cho tranh và hiện nay cũng chỉ riêng ông là giữ kinh nghiệm quý về cách chọn lá búp để ghép tranh. Chính vì vậy ông đang tìm người có tâm huyết để truyền nghề. Hơn nửa cuộc đời thổi hồn vào tranh, từ sâu thẳm trong tâm hồn mình ông biết rằng, khi ông hết lòng vì nghệ thuật thì chính nghệ thuật sẽ trả ơn xứng đáng cho ông.
Sưu tầm