Du lịch sinh thái đang là xu hướng của khá nhiều người, nhất là với những du khách ở chốn thị thành. Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều nông dân “chân đất” đã mạnh dạn đầu tư du lịch với non nước hữu tình, vườn trái cây xum xuê, trĩu quả đúng chất miệt vườn. Điển hình là vườn sinh thái của nông dân Lâm Văn Danh (sinh năm 1967, ngụ ấp Tân Phú, xã Mỹ Phú Đông, Thoại Sơn).
Dù chỉ mới mở cửa đón du khách khoảng vài tháng nay nhưng vườn sinh thái Hương Giang của ông Danh đã trở thành điểm đến “lý tưởng” cho nhiều khách du lịch vào dịp cuối tuần. Ở đó, không gian thoáng đãng được bao bọc bởi vườn cây xanh ngát. Thoảng trong gió là hương thơm phảng phất của nhiều loại cây trái như: quýt, cam, bưởi, mãng cầu xiêm, mận... Du khách đến đây không phải để tìm 1 không gian “sống ảo” mà là tận hưởng và trải nghiệm cuộc sống ở chốn đồng quê. Ngoài khám phá vườn trái cây bằng đường bộ, khách tham quan có thể ngồi xuồng xuôi theo các hồ nước nhỏ để tham quan cả khu vườn. Với nhiều du khách, đây chính là trải nghiệm khá lý thú. Bởi họ có thể tự chèo xuồng thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình. Hai bên bờ là những nhánh quýt, cam đang mùa say quả cứ oằn mình lấp ló trên mặt hồ phẳng lặng.
Ông Danh chia sẻ: “Là con nhà nông, trước đây tôi gắn bó với cây lúa. Nhưng mấy năm nay, nhận thấy đất mình trồng lúa kém hiệu quả, tôi quyết định chuyển 2ha đất lúa qua trồng cây ăn trái. Sau khi học hỏi kinh nghiệm ở 1 số nơi, tích hợp với sự tìm hiểu của bản thân, tôi bắt đầu lên liếp trồng cây ăn trái. Chẳng biết loại cây nào sẽ thích hợp với vùng đất này nên tôi trồng xen canh nhiều giống với suy nghĩ “thất cây này cũng còn cây kia”, nhưng chủ lực là những loại cây có múi. Nhờ chịu khó chăm sóc, vườn cây của tôi ra quả rất xum xuê, thơm ngọt. Tận dụng khoảng trống giữa các liếp, tôi bơm nước, thả cá nuôi. Sau gần 2 năm, dưới số lượng cá đạt gần 5 tấn với nhiều loại như: cá điêu hồng, cá tai tượng, cá mè dinh, cá rô... Mô hình du lịch sinh thái chợt nảy sinh khi con tôi gợi ý vì thấy điều kiện rất thích hợp. Vậy là, điểm du lịch sinh thái của tôi bắt đầu đón khách tham quan cách đây vài tháng. Không chỉ đón khách địa phương, nhiều du khách ở tận TP. Long Xuyên hay TP. Châu Đốc cũng tìm đến”.
Với mỗi lượt khách tham quan, ông Danh thu phí 30.000 đồng/người. Sau đó thì có thể tự do tham quan vườn cây trái. Khách không biết chèo xuồng có thể nhờ ông, bà chủ chèo giúp. Vậy là ngồi giữa dòng nước thơ mộng, tận hưởng mùi thơm của “gió nội hương đồng” đã làm nhiều du khách thích mê. Ở đây, khách được “bao bụng” với riêng trái quýt. Nghĩa là, khách sẽ được hái quýt ăn thoải mái tại vườn mà không tính thêm tiền. Chỉ khi mang về thì tính theo giá thị trường. Các loại cây trái khác, tùy theo mùa mà có và cũng tính giá khoảng vài chục ngàn/kg. Khi đã thấm mệt với việc ngắm cảnh, hái trái, chèo xuồng. Du khách có thể dừng chân, tận hưởng thú vui hết sức tao nhã đó là câu cá dưới ao. Cá câu xong, nếu có nhu cầu, khách sẽ nhờ gia chủ chế biến thành các món ăn dân dã, đậm chất miền Tây. Ngồi giữa cảnh sắc nên thơ, cây trái xum xuê, thưởng thức “chiến lợi phẩm” mình vừa câu được, quả là chẳng có thú vui nào bằng!
Dù ở cùng xã nhưng chỉ mới tham quan vườn lần đầu tiên, chị Võ Thị Tuyết Văn (sinh năm 1993, ngụ xã Mỹ Phú Đông) tỏ ra rất yêu thích và quyến luyến với phong cảnh ở đây. Với gương mặt căng thẳng khi theo dõi dây câu, bỗng chốc reo lên vui sướng khi câu được cá, chị Văn phấn khởi: “Dù nghe nói nhiều nhưng đây là lần đầu tôi đến vườn sinh thái Hương Giang. Được tự hái quýt đường ngọt lịm và câu cá thế này, tôi thấy rất đúng với kiều du lịch miệt vườn. Chắc chắn, tôi sẽ giới thiệu cho bạn bè và người thân của mình đến đây tham quan để thư giãn dịp cuối tuần”. Trái hẳn với chị Văn, chị Nguyễn Thị Thúy Lành (sinh năm 1988, ngụ xã Mỹ Phú Đông) là 1 khách tham quan quen thuộc của vườn sinh thái Hương Giang. Theo chị Lành, mỗi lần đi, chị đều tập hợp nhóm bạn lại để cho vui và náo nhiệt hơn. Và, so với những vườn sinh thái khác chị Lành đi thì vườn của ông Danh là đậm “chất quê” hơn hẳn. “Không gian nơi đây tạo cho tôi cảm giác bình yên, thư thái rất nhiều sau 1 tuần làm việc căng thẳng!” – chị Lành bày tỏ.
Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Phú Đông, Trần Văn Thơm cho biết: “Diện tích đất nông nghiệp địa bàn xã khoảng 2.800ha. Phần lớn diện tích đất câp các kênh lớn, bà con đều chuyển qua trồng cây ăn trái. Địa bàn xã hiện có 3 hộ dân đăng ký mô hình chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái với diện tích 3ha. Trong đó, có đến 2ha là mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch của ông Lâm Văn Danh. Với những hiệu quả bước đầu, mô hình sẽ góp phần thúc đẩy việc phát triển du lịch địa phương theo hướng du lịch sinh thái trong tương lai. Hiện, chúng tôi đã cho cán bộ chuyên môn xuống hỗ trợ ông Danh những kỹ thuật cần thiết”.
PHƯƠNG LAN (Báo An Giang)